[CHUYÊN ĐỀ: TÌNH HUỐNG TRUYỆN CỦA CÁC TRUYỆN NGẮN “VỢ NHẶT”, CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA, NHỮNG ĐỨA CON TRONG GIA ĐÌNH]

Ngày 25/10/2019 16:37:30, lượt xem: 4680

🌿🌿[CHUYÊN ĐỀ: TÌNH HUỐNG TRUYỆN CỦA CÁC TRUYỆN NGẮN “VỢ NHẶT”, CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA, NHỮNG ĐỨA CON TRONG GIA ĐÌNH]

I.Khái niệm, phân loại

1.Khái niệm

a.Định nghĩa:

Tình huống truyện là cái hoàn cảnh riêng được tạo nên bởi một sự kiện đặc biệt trong truyện khiến tại đó, cuộc sống hiện lên đậm đặc nhất và ý đồ tư tưởng của tác giả cũng được bộc lộ sắc nét nhất.

Hoặc:

Tình huống truyện là cái tình thế xảy ra truyện, là khoành khắc được tạo nên bởi một sự kiện đặc biệt khiến cho tại đó, cuộc sống hiện lên đậm đặc nhất và ý đồ tư tưởng của tác giả cũng được bộc lộ sắc nét nhất.

b.Miêu tả:

-Tình thế đặc biệt của truyện (trước và sau đó không vậy) được tạo nên bởi một sự kiện đặc biệt có liên quan sâu sắc đến nhân vật trung tâm của truyện.

-Tình thế đặc biệt đó thể hiện dụng công nghệ thuật của tác giả nhằm làm cho cuộc sống trong tác phẩm hiện lên đậm đặc nhất và ý đồ tư tưởng của tác giả cũng được bộc lộ sắc nét nhất, tính cách nhân vật cũng bộc lộ chân xác nhất.

-Tình huống truyện thường có vai trò gây đột biến, tạo ra bước ngoặt, sự biến đổi bất ngờ trong cuộc đời, trong tâm trạng hoặc nhận thức của nhân vật.

-Tình huống truyện có khi diễn ra rất nhanh gắn với một thời điểm tức thời của truyện nhưng có khi lại diễn ra trong cả một quá trình vận động của nhân vật.

-Không phải loại tình huống truyện nào cũng dễ nhận ra và đều hiển hiện rõ trên bề mặt sự kiện của tác phẩm. Những tình huống gắn với tâm trạng hay nhận thức của nhân vật thường không rõ bằng những tình huống thuộc loại hành động.

2.Phân loại

Cách phân chia các loại tình huống truyện không phải bao giờ cũng rõ ràng. Có truyện thiên về loại tình huống truyện này nhưng có loại thiên về loại tình huống truyện khác. Có 3 loại tình huống truyện thường được các tác giả chú tâm xây dựng.

a.Tình huống hành động:

Chủ yếu xoay quanh hành động có tính bước ngoặt của nhân vật. Hành động này có chức năng làm thay đổi cảnh ngộ, trạng huống hoặc một đoạn đời của nhân vật.

b.Tình huống tâm trạng:

Chủ yếu xoay quanh tâm trạng, cảm xúc có tính phát khởi, gây biến đổi của nhân vật khi đối diện với tình thế đặc biệt diễn ra trong cảnh huống có liên quan đến bản thân (được đặt ra trong truyện). Loại tình huống này thường gặp trong những kiểu truyện trữ tình, không có cốt truyện, đậm yếu tố lãng mạn mà dòng diễn biến tâm lí nhân vật là hạt nhân cốt lõi làm nên cấu trúc của truyện (loại truyện ít diễn biến, nghèo về hành động, đối tượng chủ yếu mà nhà văn khám phá là thế giới nội tâm tinh tế, là trạng thái cảm xúc mơ hồ của nhân vật trước cuộc sống). So với tình huống hành động, loại tình huống tâm trạng khó nhận ra hơn.

c.Tình huống nhận thức:

Chủ yếu xoay quanh tình thế chứa đựng giây phút “giác ngộ” chân lí của nhân vật (sự nhận thức lại về ý nghĩa thật sự của một vấn đề, một lĩnh vực nào đó trong quan niệm hoặc trong đời sống). Nhà văn đặt nhân vật vào một tình huống đầy bất ngờ, nghịch lí để từ đó nhân vật hiểu ra, vỡ lẽ ra và nhận thức được những vấn đề mà trước đó họ hiểu chưa đầy đủ hoặc chưa hiểu hay thậm chí đã ngộ nhận về nó.

III.Tình huống truyện trong các truyện ngắn “Vợ nhặt”, “Chiếc thuyền ngoài xa”, “Những đứa con trong gia đình”

1.Truyện ngắn “Vợ nhặt”:

a.Tình huống:

- Tình huống của truyện ngắn “Vợ nhặt” thuộc loại tình huống hành động - tình huống nhặt vợ. Đó là tình huống một người đàn ông nghèo, quê kệch, dân ngụ cư, khó có khả năng lấy được vợ lại được một người đàn bà theo không trong một nạn đói khủng khiếp khi mà người đàn ông đó cũng chưa chắc đã tự nuôi nổi mình (chỉ sau hai lần gặp, ba câu nói đùa và ăn bốn bát bánh đúc).

- Tình huống diễn ra ngay từ đầu truyện, lập tức đưa người đọc vào ngay trung tâm câu chuyện vừa éo le vừa cảm động.

- Tình huống đầy khác thường (đầy thương cảm, đầy trân trọng, đầy nỗi buồn, đầy niềm vui) mở ra một loạt diễn biến tâm lí khác thường của các nhân vật trong tác phẩm (tâm trạng ngạc nhiên, vừa mừng vừa lo âu, thương cảm của xóm ngụ cư, mẹ Tràng và ngay cả Tràng).

b.Ý nghĩa:

Tố cáo bối cảnh xã hội đẩy con người vào thế bị rẻ rúng về nhân phẩm; cảm thương nỗi bi thảm của con người trước nạn đói; trân trọng khát khao hạnh phúc và niềm tin, niềm hi vọng của người lao động nghèo vào ngày mai.

2.Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”:

a.Tình huống:

- Tình huống của truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” thuộc loại tình huống nhận thức. Đó là tình huống nhận thức của người phóng viên ảnh tên là Phùng (và ít nhiều là của cả nhân vật Đẩu nữa). Nhân vật Phùng đã đi từ sự nhận thức chưa đầy đủ đến nhận thức đầy đủ trong cách nhìn về cuộc sống và con người, về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời.

- Tình huống mở ra từ đầu truyện, kéo dài theo diễn biến của truyện và khép lại bằng một nhận thức vừa đau xót vừa hân hoan ở cuối truyện (nhận thức này được bộc lộ gián tiếp qua việc Nguyễn Minh Châu để hiện lên trong tâm thức người phóng viên Phùng bức ảnh lẽ ra phải chụp được về cảnh thuyền và biển buổi sớm thay cho bức ảnh đã chụp được).

- Tình huống nhận thức (từ chưa đầy đủ đến đầy đủ chứ không phải là từ ngộ nhận đến nhìn nhận một cách đúng đắn) trong “Chiếc thuyền ngoài xa” diễn ra trong cả một quá trình tự nhận thức của nhân vật trên cả hai tọa độ cuộc đời và nghệ thuật.

+ Tọa độ cuộc đời: Nhân vật Phùng (từng là một người lính) hai lần bất ngờ chứng kiến cảnh bạo hành dã man của người đàn ông thuyền chài (dùng thắt lưng lính ngụy đánh vợ trong khi người đàn bà đứng yên, nhẫn nhục chịu đựng) đã bật ra những suy nghĩ: người đàn ông có khả năng từng là lính ngụy (?), y là con người man rợ, người đàn bà hàng chài dứt khoát phải ly dị với người đàn ông vũ phu đó thì cuộc đời mới có được hạnh phúc. Trên cơ sở những suy nghĩ đúng nhưng chưa đầy đủ và toàn diện đó, Phùng đã nhờ sự can thiệp của Đẩu để tách người đàn bà ra khỏi cuộc đời người đàn ông kia nhằm có được hạnh phúc. Câu chuyện và lý lẽ đơn sơ nhưng đầy thực tế, đầy sức nặng cuộc đời của người đàn bà hàng chài ở tòa án cũng như lời van nài của người đàn bà đã làm Phùng (và cả Đẩu) bàng hoàng cảm thấy “không thể nào hiểu được”. Cái không-hiểu-nổi trên bề mặt nhận thức đó phản chiếu một sự nhận thức đã-hiểu-nổi về một cuộc đời đa sự, con người đa đoan (chữ dùng của Nguyễn Minh Châu).

+ Tọa độ nghệ thuật (mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống): Người nghệ sĩ Phùng đối diện, rung động, ghi nhận bức ảnh về cảnh biển tuyệt đẹp trong sương sớm loang loáng ánh mặt trời khi một chiếc thuyền lưới vó từ từ vào bờ. Anh nhận thức rõ bản thân cái đẹp chính là đạo đức, làm thăng hoa và thánh thiện tâm hồn con người ngắm nhìn. Khi chiếc thuyền - hiện thân cho cái đẹp, biểu tượng cho hiện thực cuộc đời đầy sóng gió nhọc nhằn - vào bờ, người nghệ sĩ bất ngờ đối diện với một hiện thực khác quái đản đầy phũ phàng: chiếc thuyền đem lên bờ một gia đình thuyền chài đầy bạo hành, đầy bấp bênh khó nhọc. Người đàn ông trên chiếc thuyền dùng thắt lưng quất dã man vào thân xác người vợ. Chính người đàn ông đó đã bạo hành vợ mình theo quy luật “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”. Phùng bàng hoàng nhận thức thêm một điều là lắm khi bên trong những cái ngỡ là đẹp, là đạo đức lại ẩn chứa cái không đẹp, cái phi đạo đức. Bức ảnh về cảnh thuyền vào bờ ở đầu truyện (bức ảnh đã chụp) ngỡ đâu là một thành công của người nghệ sĩ (Phùng đã đặt hết tâm hồn vào nó, bức ảnh được nhiều người ca ngợi) thì đến cuối truyện Phùng đã nhận thức một cách nghiêm túc đó chính là một tác phẩm thất bại của mình (người nghệ sĩ đã đứng quá xa để nhìn đời, đứng quá xa và nhìn qua lớp sương mờ hư ảo nên không tái hiện và lột tả hết nỗi khó nhọc, lam lũ của con người). Bức ảnh cuối truyện là bức ảnh lẽ ra Phùng phải chụp được (có thêm hình ảnh lam lũ của người đàn bà hàng chài từ tác phẩm bước ra cuộc đời). Bức ảnh đó gián tiếp gửi đến người đọc nhận thức đầy đủ của Phùng về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời, nhà văn và cuộc sống.

b.Ý nghĩa:

Phải nhìn cuộc đời và con người từ nhiều chiều mới mong hiểu hết. Nghệ thuật phải gắn chặt với cuộc đời, người nghệ sĩ phải rút ngắn khoảng cách giữa mình và cuộc đời, phải sống sâu với cuộc đời. Phải nhìn đời bằng đôi mắt thấu hiểu, bao dung và đầy trắc ẩn. Lê Ngọc Chương trong bài viết “Chiếc thuyền ngoài xa, một ẩn dụ nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu” có một lời khuyên: “Cuộc đời vốn dĩ là nơi sản sinh ra cái đẹp của nghệ thuật nhưng không phải bao giờ cuộc đời cũng là nghệ thuật, và rằng con người ta cần có một khoảng cách để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nghệ thuật nhưng nếu muốn khám phá những bí ẩn bên trong thân phận con người và cuộc đời thì phải tiếp cận với cuộc đời, đi vào bên trong cuộc đời và sống cùng cuộc đời.”).

3.Truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình”:

a.Tình huống:

- Tình huống của truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình” thuộc loại tình huống hành động. Đó là tình huống người chiến sĩ trẻ tên Việt bị thương, bị lạc đồng đội phải nằm lại chiến trường sau trận đánh giữa đơn vị của Việt với một chiến đoàn lính Mỹ. Trong tình thế đặc biệt đó, sau những lần ngất đi tỉnh lại, nhân vật của Nguyễn Thi đã hồi tưởng lại những kỷ niệm về gia đình, đồng đội.

- Tình huống diễn ra ngay từ đầu truyện. Gắn với cách kể chuyện theo kiểu người kể chuyện giấu mặt nhưng cách kể và giọng điệu lại gắn với nhân vật truyện (nhân vật Việt), tình huống truyện của tác phẩm đã góp phần làm bộc lộ những phẩm chất cần thiết của hai nhân vật Việt và Chiến và làm hiện rõ dần lên cuộc sống của một gia đình nông dân Nam bộ giàu truyền thống cách mạng mà nhiều người trong gia đình đó đã hoặc bị giặc giết hại hoặc bị giặc khủng bố.

- Hỗ trợ cho tình huống hành động của truyện (Việt phải nằm lại chiến trường, tất cả diễn ra qua hồi ức), Nguyễn Thi đã chủ động chọn kết cấu đồng hiện để khắc họa hợp lí cuộc sống và con người trong tác phẩm. Cách trần thuật theo dòng ý thức giúp những vách ngăn không gian và thời gian bị xoá bỏ để mạch truyện đi về thoải mái giữa quá khứ và hiện tại, giữa cái đang hiện lên trước mặt và những gì đã ẩn vào quá khứ. Kết cấu truyện tưởng chừng lỏng lẻo nhưng có mạch liên kết ngầm của cảm xúc, là hệ quả của hành động truyện.

b.Ý nghĩa:

Chính sự kết hợp giữa tình cảm gia đình và tình yêu Tổ quốc cũng như sự gắn bó giữa truyền thống gia đình và truyền thống dân tộc đã góp phần tạo nên động lực tinh thần lớn lao thôi thúc thế hệ trẻ miền Nam đứng lên đánh Mỹ.
-----------------
Cre: #Viếtvănbằngcảtráitim
Học văn chị Hiên - Hơn cả một bài văn 🌻🌻

Tin liên quan